Monday 11 May 2015

Giảng bình 039-042

 




 

Hoa điền (7) ủy địa vô nhân thâu
Thúy kiều kim tước ngọc tao đầu (8)
Quân vương yểm diện cứu bất đắc
Hồi khan huyết lệ tương hòa lưu


Các đồ trang sức rơi trên mặt đất không ai nhặt lên. Quân vương đau đớn che mặt, không sao cứu nổi. Quay đầu lại trông thấy cảnh thương tâm ấy, máu và nước mắt hòa lẫn nhau chảy xuống ròng ròng.


Ai người nhặt thoa rơi bỏ đất,
Ôi Thúy Kiều ngọc nát vàng phai.
Quân vương bưng mặt cho rồi,
Quay đầu trông lại, máu rơi lệ dàn.

Người đã chết. Thoa rơi còn ai nhặt nữa? Để làm gì? Để giữ lại kỉ niệm? Vô ích! Ôi Thúy Kiều ngọc nát vàng phai.

So với nguyên văn: Hoa điền ủy địa vô nhân thâu, Thúy kiều kim tước ngọc tao đầu  và Vô Danh dịch: Hoa điền rớt đất không ai thâu. Nguyên văn của Bạch Cư Dị vẫn chỉ ghi lại sự việc. Câu thơ của Tản Đà không chỉ ghi suông. Ôi Thúy Kiều ngọc nát vàng phai! Ngọc nát vàng phai chỉ ngọc vàng bỏ rớt (đồ trang sức của Quý Phi — Thúy Kiều: cái thoa làm như hình con chim thúy). Mà cũng là tượng trưng cho người đẹp đang chết. Lời thơ bóng bẩy. Nói một mà thành hai. Và cuối cùng thành MỘT.


Quân vương bưng mặt cho rồi! Bưng mặt để làm gì? Bưng mặt dùng nghe hay hơn che mặt (yểm diện ), bởi vì trong tiếng Việt bao giờ bưng mặt cũng đòi hỏi tiếng động từ khóc ở sau (Bưng mặt khóc rưng rức...) Ở đây Tản Đà lại dùng bưng mặt mà không cần đưa tiếng khóc ra. Lại như muốn che lấp đi, xóa bớt ý nghĩa khóc đi dưới hai tiếng cho rồi... Thế thôi, thôi thế, thì thôi, mới là... Có nghĩa gì đâu! Rằng không thì cũng vâng lời rằng không. Rằng không thôi thế thì thôi. Quân vương bưng mặt cho rồi. Toàn là những tiếng vô nghĩa trở thành huyền diệu dưới ngòi bút của thiên tài. Hỏi ở nhân gian có dân tộc nào có những ngôn ngữ đẹp như thế không? Ta yêu tiếng nước nhà như yêu canh rau muống, cà dầm tương vậy.


Để ý: ai, rơi, bỏ, nát, phai... Ngọc vàng nát phai bỏ đất. Tưởng không có cách gì tìm ra những tiếng gợi hình buồn tủi hơn.


Và cái chỗ đau đớn nhất lời thơ đã cho thấy là ở chỗ không cho thấy giây phút đau thương. Sau này mới quay đầu trông lại, lệ sẽ dàn khi nhìn thấy máu trôi. Nhưng chính cái giây phút quằn quại, giai nhân mở to mắt nhìn đời vĩnh biệt, thì quân vương, và chúng ta, và thi sĩ cũng đều bưng mặt cho rồi.






Saturday 2 May 2015

Giảng bình 035-038




西


 

Thúy Hoa dao dao hành phục chỉ
Tây xuất đô môn bách dư lí
Lục quân bất phát vô nại hà
Uyển chuyển nga mi mã tiền tử


Cờ thúy hoa đương phất phới giong ruổi trên đường, bỗng dưng dừng lại, lúc đoàn quân vừa ra khỏi cửa kinh đô hơn trăm dặm về phía tây. Sáu quân không chịu tiến, không biết làm sao. Vua đành lòng để cho người đẹp oằn oại chết dưới ngựa.


Đi lại đứng hơn trăm dặm đất,
Cờ Thúy Hoa bóng phất lung lay.
Sáu quân rùng rắng làm rầy,
Mày ngài trước ngựa lúc này, thương ôi!

Cũng một giọng điệu khó hiểu. Không biết thật hay đùa. Thi nhân ái ngại hay mỉa mai. Cười cợt hay thông cảm. Đi lại đứng nghe ra làm sao? Hơn trăm dặm đất nghe ra thế nào? Ba lần điệp phụ âm đ có quỷ quái lắm không? Lại thêm cái bóng cờ Thúy Hoa bóng phất lung lay. Thơ mộng hay não nùng. Tiếng lung lay Tản Đà dùng rất lạ. Nếu dùng như bà Đoàn Thị Điểm: hàng cờ bay trông bóng phất phơ, ta sẵn sàng cho rằng nói về bóng cờ, tiếng phất phơ thích hợp hơn tiếng lung lay. Nhưng trong lời thơ của thiên tài, lung lay lại trở thành gợi hình vô hạn, chân xác hơn phất phơ một trăm lần. Vì nó mới mẻ. Nó không sáo. Nó buộc người ta phải nhìn lại một hình ảnh quá quen với hai con mắt mới, giữa những tang thương xô bồ. Thấy lung lay bởi vì thị quan thờ thẫn? Bởi vì người ta đã có thể tiên cảm sự bất hạnh sắp làm lung lay đời mình. Tấm thân mình có đứng vững giữa rùng rắng sáu quân?

 Sáu quân rùng rắng làm rầy... 

Ta dừng lại. Tiếng lung lay ở trước cũng như tiếng rùng rắng ở sau phải được chấp thuận với tất cả một cái nhìn mới mẻ cảm thông. Và rúng rắng làm rầy với 3 lần điệp phụ âm r đã cho phép ta trở lại với một tâm tình thỏa đáng với 3 lần điệp phụ âm đ ở trên đã chuẩn bị cho cái rúng rắng làm rầy ở dưới. Lời thơ kêu gọi nhau, sít sao trong âm hưởng của thiên tài trực giác giãi bày cho não nùng nông nỗi na năng...

Sáu quân rùng rắng làm rầy,
Mày ngài trước ngựa lúc này, thương ôi!
 

Không một tiếng thừa. Không một tiếng thiếu. Trường Hận Ca nghìn thu dằng dặc chung đúc trong 2 câu hết sức đơn sơ. Cái chết cũng không cần gọi rõ tên. Một tiếng thương ôi ở sau mày ngài trước ngựa đã nhiều lắm rồi.

Mày ngài trước ngựa lúc này, thương ôi! 

Tại sao lại thêm lúc này? Phải. Lúc này không còn như lúc trước nhé. Sáu quân lúc này không dễ khiến đâu nhé. Không dễ bảo như những con hầu nâng dậy lúc xưa đâu. Dù bận ấy vua yêu. Dù bận ấy vua dấu. Một tiếng lúc này của Tản Đà nói nhiều quá.


So với nguyên văn sẽ thấy gì? Ta không dám dùng tiếng so sánh nữa. Nga mi mã tiền tử 
: mày ngài chết trước ngựa, Bạch Cư Dị phải dùng tiếng chết mới nói được cái chết. Tản Đà không dùng tiếng chết mà nói được cái chết thảm thương hơn. Đưa vào thêm một tiếng lúc này. Thế là hết. Phút giây hiện tại lỡ làng này sẽ xóa bỏ vô hạn của quá khứ thân yêu và gây nên vô biên cho những tương lai nhớ tiếc. Cho đến bây giờ chúng ta lần giở lại... lời thơ của người còn nói lại những gì nữa với chúng ta? Thời gian dừng sững lại giây phút đây để gọi về anh hồn của một thiên tài oanh liệt giữa sông Đà núi Tản đã kết tinh. Tấm lòng xót thương của người mênh mông quá.

Nguyên văn chỉ như ghi chép sự việc lại đó để chờ thiên tài nước Việt đúc kết ra thơ. Bạch Cư Dị chỉ như là người đi tìm vật liệu để chờ Tản Đà tạo lập, kiến trúc... Cũng như Thanh Tâm Tài Nhân đối với Nguyễn Du.


Tản Đà đã làm thơ? Hay thơ đã cùng Tản Đà chung sống trong một thể xác? Tản Đà sử dụng âm thanh? Hay những âm thanh đã được Thượng Đế dành sẵn đợi Tản Đà? Ta không biết.


Điều nên để ý là con Tạo vốn thương yêu người nghệ sĩ, nên luôn luôn bày ra những trò oái ăm. Đưa bóng mờ che ánh sáng cho dịu bớt. Nếu không thì trần gian chịu sao nổi. Phải có một Phạm Quỳnh ngồi bên. Phải đưa một Bạch Cư Dị ra trước để ta nghĩ rằng Tản Đà chỉ là một dịch giả thôi. Phải có những Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng bên một Nguyễn Du.






Wednesday 29 April 2015

Giảng bình 031-034






西
 

Ngư Dương (5) bề cổ động địa lai
Kinh phá Nghê thường vũ y khúc (6)
Cửu trùng thành khuyết yên trần sinh
Thiên thặng vạn kị tây nam hành


Tiếng trống tự đất Ngư Dương đưa lại vang động cả mặt đất, phá tan khúc nhạc Nghê-thường vũ-y. Khói và bụi phát sinh ra ở chốn thành khuyết nhà vua. Nghìn cỗ xe, muôn con ngựa đi sang miền tây nam.


Ầm tiếng trống Ngư Dương kéo đến,
Khúc Nghê Thường tan biến như không.
Chín lần thành khuyết bụi tung,
Nghìn xe muôn ngựa chơi vùng Tây Nam. 

Ta không biết Tản Đà đã viết những vần thơ này vào lúc nào — Buổi trưa hay buổi tối? Mùa đông hay hè? Từ thuở sinh ra đời, người đã được nghe những âm thanh gì của lòng đất? Để giờ đây hồn xuân mộng có thể khua vang lời nói của con người đến độ dị thường trầm thống của âm thanh. Ta không biết. Vừa mới ở trên hồn nhạc mơ màng giăng giăng cánh cho trời mây dừng lại giữa du dương. Êm đềm vô hạn. Để bất thình lình... Ầm tiếng trống Ngư Dương. Hồn nhạc của Mozart đã cùng hồn thơ của Racine kết hợp cùng hồn nhạc Beethoven để dậy dàng hòa nên cung bậc. Ta muốn kêu gọi gấp thiên tài duy nhất của nước Việt về chứng giám cho ta. Hãy về đây, hỡi thiên tài đất Việt! Đoạn trường đây, lần nữa lại tân thanh. Tản Đà đây Tiên Điền Nguyễn Khắc Hiếu! Đất gọi trời con nhạc dậy long lanh. 
   
Ầm tiếng trống Ngư Dương kéo đến,
Khúc Nghê Thường tan biến như không. 

Ta muốn dừng đây. Đừng đi đâu hết. Để cùng đời chìm chết giữa tai ương. Đi đâu? Hà tất? Thơ nhạc gì? Nói nữa? Có cần không?

Những vần thơ vô biên xui linh hồn thảng thốt. Nhà thơ có thật là thi sĩ của nhân gian? Hay đúng là thiên thần giáng trích? Tại sao khi kể chuyện khốc liệt, lời thơ hết sức cảm động vẫn cứ giữ chút giọng điệu mỉa mai, như cợt cười, như đi trên thế sự, như không hề giống giọng Tố Như:


Nén hương đến trước thiên đài,
Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân.
Dưới hoa dậy lũ ác nhân,
Ầm ầm khóc quỷ kinh thần mọc ra... 

Ta muốn dừng lại để tự hỏi vì sao. Để sững sờ vì sao tai ương quá đẹp. Thi sĩ không phải là người? Ta chưa hết hoang mang. Ta tiếp tục đọc thêm để xóa bỏ niềm ngây ngất. Nếu thi si sĩ là người thì tất sẽ có những vần thơ dở ta sẽ vạch ra.

Và đọc hết bài thơ càng đọc con mắt ta càng mở to ra, mà những giòng chữ thì cứ mờ lại mãi — đọc hết bài thơ, ta nghĩ rằng nó đúng là một thi phẩm quán tuyệt cổ kim, một áng văn chương tuyệt đối. Không thể so sánh với bất kỳ một thi phẩm nào của văn học nhân gian. Ta đứng lên, làm như chàng Kim Trọng:


Vội mầng làm lễ rước vào,
Đài sen nối sáp, song đào thêm hương.
Tiên thề cùng thảo một chương,
Tóc mây một món dao vàng chia đôi.
Thời cho cách trở đôi nơi,
Nhân gian rồi với trên trời gặp nhau.
Ngọn đèn khêu đã cạn dầu,
Khó thay! giấc ngủ dễ hầu ngủ xong!
Cảnh xưa dương liễu, phù dung,
Vị Ương, Thái Dịch, hồ cung vẹn mười.
Thấy trăng luống đã đau người,
Đêm mưa đứt ruột, canh dài tiếng chuông.
Là đêm Trùng Thất ngồi chung,
Tháng ngày thư thái Tiên Cung rứt vòng.
Cõi trần như thế là xong,
Trường Sinh sân điện vắng không bóng người.
Thoa vàng hộp khảm phân đôi,
Nửa xin để lại, nửa thời đem đi.
Chỉ xin dạ tạc lòng ghi,
Thoa vàng bền chắc không phai bao giờ.
Rằng: tôi đã có lòng chờ...
Áo cầm đứng dậy thẫn thờ bước ra.
Bâng khuâng nửa mái mây tà,
Thềm cao xuống chiếc mũ hoa lệch lệch đầu.
Phới tay ngọn gió bay màu,
Nghê Thường khúc múa giống màu năm xưa.
Lệ dàn mặt ngọc lưa thưa,
Cành lê hoa chíu hạt mưa xuân đầm.
Mắt ngừng, giòng lệ âm thầm,
Sầu tuôn đứt nối, ướt đầm khăn tay.
Tóc vàng mái phất lung lay,
Mày ngài trước ngựa lúc này thương ôi.
Quân vương bưng mặt cho rồi,
Quay đầu trông lại, máu trôi lệ dàn.
Chơi vùng muôn ngựa Tây Nam,
Mặt trời nhạt thếch buồn tênh tinh kỳ.
Vắng tanh! Dưới núi Nga Mi,
Đường mây Kiếm Các lần đi bụi mờ.
Đất bùn chỗ chết còn trơ,
Thấy đâu mặt ngọc bây giờ Mã Ngôi.
Áo đầm giọt lệ vua tôi,
Nửa xin để lại, nửa thời đem đi.
Đoạn trường thay lúc phân kỳ,
Vó câu khấp khểnh tinh kỳ buồn tênh
Ngậm ngùi nước biếc non xanh,
Lòng vua thương tiếc khôn đành hôm hôm.
Kìa Nam Uyển, nọ Tây Cung,
Đầy thềm ai quét lá hồng thu rơi.
Ngổn ngang trăm mối bời bời,
Vườn lê con hát đâu rồi những ai.
Năm canh chẳng giống đêm dài,
Sông Ngân lấp lánh sácg trời sao chưa.
Lệ dàn mặt ngọc lưa thưa,
Cành lê hoa chíu hạt mưa xuân đầm.
Thề xưa lòng biết với lòng,
Bẻ bai rầu rĩ phím đồng tiếng tơ?
Mai sau dù có bao giờ...
Con tằm đến thác vương tơ vẫn còn.
Xin làm cây chắp liền cành,
Chim trời liền cách cho lành mộng xưa...

Giọng ta bối rối luýnh quýnh đến hay! Kiều sẽ hỏi vì sao mà chàng đờ đẫn, ăn nói lắp bắp đầu Ngô đuôi Sở? Chàng có tự biết như thế hay không? Vì quá si mê mà nên nỗi cà riềng cà tỏi?  

 Ầm tiếng trống Ngư Dương kéo đến,
Khúc Nghê Thường tan biến như không.
Chín lần thành khuyết bụi tung,
Nghìn xe muôn ngựa chơi vùng Tây Nam.

Tại sao Tản Đà lại dùng tiếng chơi? Có nhiều người bảo nên đổi lại, nên dùng tiếng giong, hoặc... Tôi bảo không. Phải để chơi vùng Tây Nam. Tại sao? Tại vì dùng tiếng như thế mới đúng điệu Tản Đà. Tài hoa và ngang tàng. Người thi sĩ vẫn đi đứng ở trên nhân vật và sự việc. Dùng chữ như vị trưởng nhạc cầm dùi nhịp đong đưa. Như vị pháp sư đưa tay lên xuống dìu dặt. Nhân vật tuân theo quyền lực của bùa phép pháp sư.  

 Ầm tiếng trống Ngư Dương kéo đến

Phép đảo trang mãnh liệt. Tiếng nghỉ thanh ầm tàn khốc, đưa lên đầu câu, như trời long đất lở, trong khi người đương còn mơ màng theo cung nhạc phiêu diêu.

Phải so với nguyên văn mới càng thấy rõ thiên tài Nguyễn Khắc Hiếu. Không riêng gì ở câu này.
 

Ngư Dương bề cổ động địa lai

Dịch sát như Vô Danh: 

Ngư Dương trống trận động trời đất

Nguyên văn sở dĩ thua xa lời dịch là ở nhiều điểm: Bạch Cư Dị không biến đổi nổi giọng điệu lời thơ cho thích hợp cho cái đà dồn dập của sự việc. Trong khi chuyện đời đổi thay cuồng loạn, từ vui chơi hứng thú sang tan tác tơi bời, thì lời thơ họ Bạch vẫn giữa đơn điệu, trầm trầm. Vì lỗi ở họ Bạch hay vì thể thơ không cho phép?

Với Tản Đà, khác hẳn. Thiên tài của ông đã cao kỳ trong cách sử dụng đảo ngữ một cách huyền diệu ta đã gặp bao phen, mà riêng ở đây, thể song thất lục bát càng phụ họa thêm cho âm điệu thơ biến đổi lẹ làng, chớp nhoáng, từ nhịp đến vần. Vừa ở trên, nhịp điệu thung dung của lục bát đương làm cho ta say lòng theo nhịp tiếng trúc, tiếng tơ, tiếp liền đây: Ầm tiếng trống bất thình lình giáng xuống như búa bổ. Và yêu vận lại tiếp vần liền, tăng thêm âm hưởng dồn dập cho thơ. Vừa mới say lòng quân vương đã tiếp liền tiếng trống Ngư Dương đổ tới, cho người không kịp trở tay. Khúc Nghê Thường đành tan biến.


Nói tóm lại, riêng ở đây, khả năng của thể song thất lục bát, vừa nhịp vừa vần đã khắng khít bắt tay với phép đảo trang của thiên tài lỗi lạc để cùng đồng thanh diễn tả chỗ khốc liệt của biến cố kéo đến từ Ngư Dương.


Lại để ý thêm, những âm hưởng chọi nhau (vì âm vận điệp hoặc vì phụ âm vận điệp) giữa hai câu thất: tiếng, tan; Ngư, Nghê; dương, thường; đến, biến; trống, không. Chúng gây nên một ấn tượng dị thường trong tâm não chúng ta: cái đẹp mong manh vỡ tan trước phũ phàng của gió lốc. Chim diều hâu đã ăn xé "con chim hồng trái tim nhỏ của tôi." (*)


 Chín lần thành khuyết bụi tung,
Nghìn xe muôn ngựa chơi vùng Tây Nam.

Tiếng chơi kỳ thú nằm giữa mịt mờ của phong ba: giữa những lao xao nghìn xe muôn ngựa, chín lần, bụi tung thành khuyết, tác giả đưa vào một tiếng chơi dị thường. Phải là cao tay ấn mới dám phóng túng ngang nhiên đến độ ấy. Nhà thi sĩ đi trên thế sự, có bùa phép nắm giữ hung thần ác quỷ nằm gọn dưới năm ngón "ngũ âm" dìu dặt như chơi. Có lồng lộn lên là lồng lộn với ai kia, Ác quỷ ạ.

Tiếng chơi còn mai mỉa biết bao! Trước cũng chơi, thì nay cũng chơi cho trót. Trước chơi với tơ trúc, Nghê Thường, thì nay chơi với bụi tung thành khuyết, muôn ngựa nghìn xe.



 
Ghi chú

(*) bài "Giục Giã", thơ Xuân Diệu.







Sunday 19 April 2015

Giảng bình 027-030







 

Li Cung (4) cao xứ nhập thanh vân
Tiên Nhạc phong phiêu xứ xứ văn
Hoãn ca mạn vũ ngưng ti trúc
Tận nhật quân vương khán bất túc


Li Cung cao chót vót lẫn vào trong mây xanh. Tiếng nhạc tiên theo gió thổi bay đi, khắp nơi đều nghe thấy. Điệu ca thong thả, điệu vũ nhẹ nhàng, hòa lẫn với tiếng tơ tiếng trúc, êm đềm. Suốt ngày, quân vương xem vẫn cho là không đủ.

Vẳng Tiên Nhạc khắp nơi nghe biết,
Làn gió đưa cao tít Li Cung.
Suốt ngày múa hát thung dung,
Tiếng tơ, tiếng trúc say lòng quân vương. 

Khắp nơi nghe tiếng Tiên Nhạc? Thế là nên hay không nên? Là lành hay dữ? Chân trời đã có điềm tiền báo chi không? Dù sao thì cung nhạc cũng hiền hòa như hạnh phúc chả đơn sơ...

Lần thứ sáu phải chăng? Lần thứ sáu, linh cảm lại làm xao động lòng ta. Nhưng mặc. Hãy vùi đầu say cùng quân vương theo nhạc tiên gió đưa cao tít... Dường khi trước khi bị giập vùi, nhạc liên hoan muốn vút trời tung cánh mộng một lần cho hết mực du dương. Rồi ra... Rồi ra xin chịu hết.


Vẳng Tiên Nhạc khắp nơi nghe biết,
Làn gió đưa cao tít Li Cung.
Suốt ngày múa hát thung dung... 

Âm điệu bốn câu thơ đẹp tuyệt vời. (Tôi đã dùng mấy lần rồi tiếng đó?) Nhạc dâng cao tỏa ra khắp chốn như suối trào tự lòng đất dâng lên, rồi tản mác bốn bề nhuần gội nhân gian một lần cho chan hòa cỏ cây hoa lá, trong khi người Tiên Nữ giáng trần dìu dặt điệu múa ca... Linh hồn của nước non như dường thao thao là chỉ vì Tiên Nữ. Nàng hãy ở lại khoan đi. Để ta nhìn nàng thung dung múa hát. Được không? Ta đợi chờ nàng gật. Hãy nói đi. Hỡi mơ màng Tiên Nữ của lòng ta nghìn thuở mộng hoa hương.

Suốt ngày múa hát thung dung,
Tiếng tơ, tiếng trúc say lòng quân vương. 











Wednesday 15 April 2015

Giảng bình 021-026



Kim Tinh trang thành kiều thị dạ
Ngọc lâu yến bãi túy hòa xuân
Tỉ muội đệ huynh giai liệt sĩ
Khà liên quang thái sinh môn hộ
 
Toại linh thiên hạ phụ mẫu tâm
Bất trọng sinh nam trọng sinh nữ

 

Trong nhà vàng, sau khi trang điểm xong, nàng tới chầu vua vào lúc ban đêm. Tại lầu ngọc, sau khi yến tiệc xong rồi, trong sự say sưa, có bào hàm tình xuân chan chứa. Chị em và anh em nàng đều được vua ban phẩm tước, cắt đất đai cho, khiến cho vẻ sáng sủa, đáng yêu phát sinh ra trong cửa nhà nàng. Việc này làm cho lòng các bậc cha mẹ trong thiên hạ không trọng sinh con trai nữa, mà trọng sự sinh con gái.

Nhà vàng đúc đêm thanh ôm ấp,
Lầu ngọc cao, say ắp màu xuân.
Anh em sướng đủ mọi phần,
Mà cho thiên hạ có lần rẻ trai.

Để ý: Âm vận nồng nàn say đắm úc, ấp, ọc, ắp (ắp, ấp, ngọc, đúc). Ân ái no tròn, đầy ắp giữa nhà vàng, lầu ngọc trong màu xuân êm ái của đêm thanh! 

Lần thứ năm, linh tính lại lên tiếng. Giai nhân được sướng, còn sướng lây cho anh em đủ mọi phần... Mà cho thiên hạ... Hờn ghen lần này không chỉ giới hạn ở nơi nhan sắc phấn son. Khắp thiên hạ từ nay, trai thanh niên bị rẻ rúng sẽ không thể nào chịu nhẫn nại làm ngơ. Tự bao đời ông cha, có bao giờ trai bị rẻ rúng? Có bao giờ Á Đông mình xảy ra cái việc tày trời trọng nữ khinh nam? Thật là đất trời sụp đổ. 


Để ý: Tiếng mà cho chỉ có Tản Đà mới dùng nổi. Mà cho ... có lần cũng tuyệt vời như tiếng có ngần, chậm phần vua ra ở trên. Và cũng chỉ người Việt Nam chúng mình mới thưởng thức nổi. Nó ngon lành cho chúng ta nhớ mãi mai sau cũng ngon lành như những tiếng vô nghĩa sắt son hiền thục của Đoạn Trường Tân Thanh: Mai sau dù có bao giờ...

 
Ta hiểu vì lẽ gì mà lục bát của Tản Đà, và Tản Đà phong thi lại đẹp quá.
 

 Ai đi đường ấy làm chi
Nước thì độc nước, buôn thì khó buôn
Đêm đêm chớp bể mưa nguồn
Ai đi ai để cái buồn cho ta
Năm nay em mới mười ba
Còn hai năm nữa thời là mười lăm
Mong cho trời chóng hết năm
Năm sau dâu tốt cho tằm hơn tơ
Chồng người xe ngựa người yêu
Chồng em khố đũi em chiều em thương
Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa
Người đi ta ở lại nhà
Cái dưa thời khú, cái cà thời thâm
Anh em sướng đủ mọi phần
Mà cho thiên hạ có lần rẻ trai

Không biết Đoạn Trường Tân Thanh quán tuyệt có những âm vang kỳ ảo đó không. Ta muốn lần giở lại... Tản Đà đã sử dụng tuyệt vời những tiếng đưa đẩy hầu như tầm thường, hầu như vô nghĩa trong ngôn ngữ bình dân. Chúng cũng tầm thường, cũng vô nghĩa, và cũng nồng nàn vô hạn, như cái nhìn và lời hẹn của cô thôn nữ thờ thẫn đưa anh lên đường để cô ở lại "không biết rồi cuộc đời có cho phép em ôm lòng chờ đợi anh không". 





Monday 13 April 2015

Giảng bình 017-020






 

 

Thừa hoan thị yến vô nhàn hạ
Xuân tòng xuân du dạ chuyên dạ
Hậu cung giai lệ tam thiên nhân
Tam thiên sủng ái tại nhất thân


Nàng chiều theo thú vui của vua, chầu chực nơi yến tiệc, không lúc nào nhàn rỗi. Nàng cùng vua vui chơi hết mùa xuân này đến mùa xuân khác, hết đêm này đến đêm khác. Người đẹp chốn hậu cung có tới ba nghìn, nhưng lòng sủng ái của nhà vua tập trung tại một mình nàng.


Suốt ngày tháng tiệc hoa vui mãi,
Đêm xuân tàn xuân lại còn đêm.
Ba nghìn xinh đẹp chị em,
Ba nghìn yêu quý chất nêm một mình.

Dịch sát như Vô Danh:
Trò vui tiệc yến cứ bày thêm,
Nối gót chơi xuân đêm lại đêm.

 
Câu thơ ít tính chất Việt Nam. Tản Đà đưa thêm ba tiếng suốt ngày tháng ở trước, một tiếng mãi ở sau, câu thơ thoải mái, tự nhiên. Có sức khêu gợi mạnh. Đọc thơ là ta hình dung ngay yến tiệc linh đình, kéo dài liên miên. Cứ bày thêm không mạnh nghĩa như suốt ngày tháng ... vui mãi

Nhưng kỳ tuyệt vẫn là câu sau, trong phép điệp ngữ uyển chuyển mà dắn dỏi, thơ mộng và say sưa, đúng như tâm tình vua ngây ngất vì tiệc hoa có linh hồn của tiên nữ như không ngừng thổi mãi về một luồng sinh khí tê mê. 


 Suốt ngày tháng tiệc hoa vui mãi,
Đêm xuân tàn xuân lại còn đêm.

 
Một tiếng đêm ở đầu câu, một tiếng đêm ở cuối câu, hai tiếng xuân lại, xuân tàn xôn xao xen hòa ở giữa như tình người reo nhịp hứng vui say. Nhưng cũng có cái gì vùi đầu mê mệt quá, và đất trời như quay tít theo cuồng nhiệt của nhân gian. Lần thứ ba, lời thơ lại xui ta linh cảm. Xuân cứ tàn, dù xuân có lại, nhưng còn đêm. Trong thiên đường đã có mầm địa ngục. Tươi thắm của xuân không đuổi xua hoàn toàn bóng tối. Đêm xuân tàn xuân lại còn đêm.  

Để ý: phép điệp ngữ của Tản Đà mãnh liệt hơn trong nguyên tác. Trong nguyên tác, điệp ngữ chân phương theo lối thường, từng cặp điệp nhau, đi song song, sát sát: xuân tòng xuân , dạ chuyên dạ . Trái lại, trong câu thơ của Tản Đà, điệp ngữ hết mực đắc thế: hai tiếng xuân xoay vít quanh tiếng tàn để lùa vô bóng tối của đêm sâu ra sau và ra trước, cho hai tiếng đêm đứng sừng sững ở đầu và ở cuối câu thơ. 

Suốt ngày tháng tiệc hoa vui mãi,
Đêm xuân tàn xuân lại còn đêm.
Ba nghìn xinh đẹp chị em,
Ba nghìn yêu quý chất nêm một mình. 

Tiếng chất nêm dùng bạo, mạnh hơn trong nguyên văn. Và có ý nghĩa hóm hỉnh hơn. Yêu quý chất nêm như dồn hết vào. Sủng ái tại... ... tiếng tại  trừu tượng, không như chất nêm. 

Hai câu thơ còn hàm một ý chua xót. Chất nêm yêu quý cho một người, còn ba nghìn người kia? Tìm đâu an ủi? Lần thứ tư linh tính không để ta yên. Tiếng trống Ngư Dương cho dẫu không ầm kéo đến thì ngai vàng cũng khó mà khỏi lung lay trước sự hờn ghen của sáu cung nhan sắc. 


Ba nghìn yêu quý chất nêm một mình. Thì thế tất cái một mình được chất nêm yêu quý sớm chầy sẽ bị đè bẹp bởi sức ép của ba nghìn không được quý yêu. 





Sunday 12 April 2015

Giảng bình 013-016








 

Vân mấn hoa nhan kim bộ diêu (3)
Phù dung trướng noãn độ xuân tiêu
Xuân tiêu khổ đoản nhật cao khởi
Tòng thử quân vương bất tảo triều


Mặt nàng đẹp như hoa, tóc mượt như mây, cài chiếc bộ dao bằng vàng. Nàng cùng vua trải qua đêm xuân trong trướng Phù Dung ấm áp. Đêm xuân tiếc rằng ngắn ngủi, mặt trời lên cao, mới trở dậy. Từ đó vua không ra ngự triều sớm nữa.


Vàng nhẹ bước lung lay tóc mái,
Màn phù dung êm ái đêm xuân.
Đêm xuân vắn vủn có ngần,
Ngai rồng từ đấy chậm phần vua ra.


Vàng nhẹ bước... Lời thơ cũng xiên xiên tha thướt như tóc mai lung lay trong lối đảo ngữ uyển chuyển. Theo cú pháp thuận, ta nói: Mái tóc vàng lung lay khi nàng nhẹ bước... Và thế là giữa văn xuôi và văn vần có một trời chia biệt. Trong thi ca nước nào trên quả đất có những vần tương tự thế không? Đi. Thế là vàng nhẹ bước. Mái tóc vàng choáng mất không gian. Ta nhìn đằng sau chỉ thấy vàng nhẹ bước, lung lay như lung linh hồn mộng... Giật mình mới biết đó là tóc mái đó ư? Vàng sẽ đi đâu? Vàng sẽ làm gì? Chỉ có màu phù dung đêm xuân êm ái biết. 

Đêm xuân vắn vủn có ngần... Có ngần ấy thôi? Lại bỏ lửng lần nữa. Đẹp đến dị thường. Đẹp bằng thơ Nguyễn Du. Và tài hoa hơn thơ Nguyễn Du. Còn cảm động thì mỗi bên cảm động mỗi lối... Đêm xuân vắn vủn có ngần... Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi. Trong câu thơ Nguyễn Du ngắn ngủi đi với có ngần ấy thôi nghe ra ngẹn ngào rất hợp điệu. Mà trong câu thơ Nguyễn Khắc Hiếu ở đây, tiếng vắn vủi mới thật là tài tình. Vắn vủi hay hơn ngắn ngủi. Êm dịu hơn nồng nàn hơn. Vắn vủi rất gần yêu thương. Vắn vủi, vuốt ve, vỗ về, cũng cùng vang một âm hưởng. 


Nhưng sao vắn vủi có ngần... Và ta e sợ. Linh cảm nỗi gì? Hạnh phúc sẽ mong manh? Ngày mai sẽ đến. Tiếng Trống Ngư Dương sẽ vĩnh viễn làm tan biến giấc mơ hoa. Và đêm xuân sẽ không bao giờ còn nữa. Đêm xuân vắn vủn có ngần, Ngai rồng từ đấy chậm phần vua ra. Dù có chậm rãi, nấn ná, dần dà, hồ dễ đã kéo dài được tình mộng miên man...
Nãy giờ, hai lần lời thơ đã xui ta linh cảm. Nhưng chưa hề gì. Giờ ta cứ đón vua ra và hỏi: Tại sao ngai rồng vua ra chậm phần từ đấy? Và tại sao ngồi ở ngai rồng mà con mắt bệ hạ cứ như mơ màng theo dõi mộng bên trong... Tại sao? Nhà vua lắc đầu, cười mà không đáp. Triều thần chúng ta cũng vui lây. Từ nay bãi triều sớm. Ta cũng sung sướng như học sinh được nghỉ học trước giờ ra. 


 Đêm xuân vắn vủn có ngần,
Ngai rồng từ đấy chậm phần vua ra. 

Giọng điệu câu thơ rất tài hoa trong dáng dấp giản dị, trong sáng gần như ca dao, và mặn mà y như ca dao. Tài hoa rất mực mà vẫn giản dị hồn nhiên. Đó là chỗ kỳ tuyệt của thơ.
Vô Danh dịch sát chứ không bóng bảy bằng.


Mền ấm gần trưa vừa mới dậy,
Từ đó nhà vua chẳng sớm chầu. 

Nếu Vô Danh dịch vừa ngang với nguyên tác, thì bạn thử so xem thiên tài Nguyễn Khắc Hiếu có vượt xa Bạch Cư Dị hay không. Nói "tòng thử quân vương bất tảo triều ", thì lời thơ chỉ là lời ghi chép sự việc. Như người cảnh sát lập biên bản, như viên giám thị ghi tên học sinh: trò A vắng mặt, trò B thường đi trễ. Hoặc như Lamartine cà riềng cà tỏi: Souvent sur la montagne, à l'ombre du vieux chêne... (*1) 

Trái lại, viết như Tản Đà thì lời thơ đúng điệu mô tả. Ngai rồng từ đấy chậm phần vua ra. Câu thơ đặt theo phép đảo trang (đừng đảo, ta sẽ nói: Từ đó vua ra ngai rồng có phần chậm.) Trong phép đảo trang, khả năng diễn tả của mỗi từ ngữ được tận dụng. Ta cùng triều thần ngước nhìn lên ngai rồng chờ đợi. Vẫn vắng bóng quân vương? Chậm ... chậm phần ... vua ra ... Ta thấy vật, ta thấy người, ta thấy một sự kiện. Ta thấy sự sốt ruột của những kẻ chờ. Sự sốt ruột... hoặc không, sự hân hoan của bầy tôi hí hửng. Hiểu rồi. Hiểu rồi. Sở dĩ chậm phần là vì bởi cớ làm sao.




 


(*1)  
Souvent sur la montagne, à l'ombre du vieux chêne,
Au coucher du soleil, tristement je m'assieds... 

So với một vần thơ Việt Nam, thì thơ Lamartine không đáng một xu: 


Nhớ nhung về đứng ngã ba,
Buồn thương chia nẻo dồn xa dặm dài...
Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người,
Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi...


tham khảo

Lamartine (1790-1869): http://poesie.webnet.fr/lesgrandsclassiques/poemes/alphonse_de_lamartine/l_isolement.html