Monday 13 April 2015

Giảng bình 017-020






 

 

Thừa hoan thị yến vô nhàn hạ
Xuân tòng xuân du dạ chuyên dạ
Hậu cung giai lệ tam thiên nhân
Tam thiên sủng ái tại nhất thân


Nàng chiều theo thú vui của vua, chầu chực nơi yến tiệc, không lúc nào nhàn rỗi. Nàng cùng vua vui chơi hết mùa xuân này đến mùa xuân khác, hết đêm này đến đêm khác. Người đẹp chốn hậu cung có tới ba nghìn, nhưng lòng sủng ái của nhà vua tập trung tại một mình nàng.


Suốt ngày tháng tiệc hoa vui mãi,
Đêm xuân tàn xuân lại còn đêm.
Ba nghìn xinh đẹp chị em,
Ba nghìn yêu quý chất nêm một mình.

Dịch sát như Vô Danh:
Trò vui tiệc yến cứ bày thêm,
Nối gót chơi xuân đêm lại đêm.

 
Câu thơ ít tính chất Việt Nam. Tản Đà đưa thêm ba tiếng suốt ngày tháng ở trước, một tiếng mãi ở sau, câu thơ thoải mái, tự nhiên. Có sức khêu gợi mạnh. Đọc thơ là ta hình dung ngay yến tiệc linh đình, kéo dài liên miên. Cứ bày thêm không mạnh nghĩa như suốt ngày tháng ... vui mãi

Nhưng kỳ tuyệt vẫn là câu sau, trong phép điệp ngữ uyển chuyển mà dắn dỏi, thơ mộng và say sưa, đúng như tâm tình vua ngây ngất vì tiệc hoa có linh hồn của tiên nữ như không ngừng thổi mãi về một luồng sinh khí tê mê. 


 Suốt ngày tháng tiệc hoa vui mãi,
Đêm xuân tàn xuân lại còn đêm.

 
Một tiếng đêm ở đầu câu, một tiếng đêm ở cuối câu, hai tiếng xuân lại, xuân tàn xôn xao xen hòa ở giữa như tình người reo nhịp hứng vui say. Nhưng cũng có cái gì vùi đầu mê mệt quá, và đất trời như quay tít theo cuồng nhiệt của nhân gian. Lần thứ ba, lời thơ lại xui ta linh cảm. Xuân cứ tàn, dù xuân có lại, nhưng còn đêm. Trong thiên đường đã có mầm địa ngục. Tươi thắm của xuân không đuổi xua hoàn toàn bóng tối. Đêm xuân tàn xuân lại còn đêm.  

Để ý: phép điệp ngữ của Tản Đà mãnh liệt hơn trong nguyên tác. Trong nguyên tác, điệp ngữ chân phương theo lối thường, từng cặp điệp nhau, đi song song, sát sát: xuân tòng xuân , dạ chuyên dạ . Trái lại, trong câu thơ của Tản Đà, điệp ngữ hết mực đắc thế: hai tiếng xuân xoay vít quanh tiếng tàn để lùa vô bóng tối của đêm sâu ra sau và ra trước, cho hai tiếng đêm đứng sừng sững ở đầu và ở cuối câu thơ. 

Suốt ngày tháng tiệc hoa vui mãi,
Đêm xuân tàn xuân lại còn đêm.
Ba nghìn xinh đẹp chị em,
Ba nghìn yêu quý chất nêm một mình. 

Tiếng chất nêm dùng bạo, mạnh hơn trong nguyên văn. Và có ý nghĩa hóm hỉnh hơn. Yêu quý chất nêm như dồn hết vào. Sủng ái tại... ... tiếng tại  trừu tượng, không như chất nêm. 

Hai câu thơ còn hàm một ý chua xót. Chất nêm yêu quý cho một người, còn ba nghìn người kia? Tìm đâu an ủi? Lần thứ tư linh tính không để ta yên. Tiếng trống Ngư Dương cho dẫu không ầm kéo đến thì ngai vàng cũng khó mà khỏi lung lay trước sự hờn ghen của sáu cung nhan sắc. 


Ba nghìn yêu quý chất nêm một mình. Thì thế tất cái một mình được chất nêm yêu quý sớm chầy sẽ bị đè bẹp bởi sức ép của ba nghìn không được quý yêu. 





No comments:

Post a Comment